Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài là một nội dung phức tạp trong lĩnh vực pháp luật dân sự Việt Nam. Tại bài viết này, Công ty Luật Nguyên Khanh sẽ làm rõ các quy định có liên quan đến vấn đề này.
Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài là gì?
Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015, định nghĩa về thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Căn cứ tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 dưới đây, di sản sẽ được chia theo pháp luật trong các trường hợp như sau:
- Không có di chúc.
- Có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp: Người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt hoặc bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép khi lập di chúc; nội dung di chúc vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc trái quy định…
- Người thừa kế theo di chúc chết trước/chết cùng thời điểm với người lập; nếu cơ quan, tổ chức là đối tượng được nhận di chúc thì không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Người hưởng di sản theo di chúc không có quyền hưởng hoặc từ chối nhận di sản thừa kế.
- Phần di sản: Không được định đoạt trong di chúc; có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực; người được thừa kế theo di chúc nhưng không được hưởng, từ chối nhận, chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc…
Theo Khoản 2 Điều 663 của Bộ luật dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài được hiểu là có đương sự là người nước ngoài hoặc tài sản thừa kế đang ở nước ngoài. Các tranh chấp tài sản thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài thường xoay quanh các vấn đề như xác định người thừa kế, hàng thừa kế, di sản thừa kế, quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, người quản lý tài sản thừa kế.
Các trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài bao gồm:
- Người để lại tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài
- Người thừa kế tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài
- Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ thừa kế là theo pháp luật nước ngoài.
- Tài sản thừa kế ở nước ngoài.
Chia thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài như thế nòa?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 680 BLDS 2015 quy định việc thừa kế được xác định theo quy định pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi người đó chết. Theo quy định này có thể hiểu pháp luật Việt Nam căn cứ theo sự kiện chết của người đó diễn tại đâu thì sẽ áp dụng pháp luật của nước đó để chia thừa kế.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Tài sản là vật, tiền và giấy tờ có giá, có 2 dạng tài sản là Động sản và Bất động sản, việc thừa kế động sản và bất động sản có yếu tố nước ngoài được thực hiện như sau:
Thừa kế động sản có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 680 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết trừ quy định tại khoản 2 điều luật này. Như vậy đối với thừa kế di sản là động sản căn cứ theo luật quốc tịch, có nghĩa rằng là luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài mà di sản để lại thừa kế là động sản là luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch trước khi chết. Như vậy là công dân có quốc tịch Việt Nam dù chết tại nước nào thì cũng sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để chia thừa kế đối với động sản.
Tuy nhiên, nếu công dân nước ngoài để lại di sản là động sản hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam và quan hệ thừa kế xảy ra tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng mà phải áp dụng pháp luật nước người đó có quốc tịch để chia tài sản thừa kế là động sản.
Thừa kế bất động sản có yếu tố nước ngoài
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, bất động sản gồm:
- Đất đai
- Nhà cửa, công trình xây xây dựng gắn liền với đất đai như: công trình phụ, nhà vệ sinh, giếng nước, bể nước..
- Tài sản khác gắn liền với đất đai, công trình nhà ở, ví dụ như điều hòa gắn liền với nhà, Cây cối gắn liền với đất…
- Tài sản khác theo quy định pháp luật.
Căn cứ khoản 2 Điều 680 Bộ luật dân sự năm 2015, thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó. Theo pháp luật Việt Nam, bất động sản là một loại tài sản đặc biệt phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất. Đất đai liên quan đến chủ quyền quốc gia nên không được phép chuyển giao tăng cho đất cho người có quốc tịch nước ngoài.
Điều 186 Luật đất đai 2013 thì người nước ngoài đủ điều kiện được mua nhà tại Việt Nam thì sẽ được hưởng thừa kế nhà ở trong thời hạn được nhà nước quy định, có các quyền mua bán, tặng cho, thừa kế trong thời hạn luật định.
Trường hợp người nước ngoài không đủ điều kiện mua nhà ở tại Việt Nam thì chỉ được hưởng giá trị của bất động sản đó và đương nhiên không phát sinh quyền thừa kế, mua bán, tặng cho đối với bất động sản.
Về điều kiện để được mua nhà ở tại Việt Nam, Luật nhà ở 2014 quy định tại Điều 159 đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với cá nhân là “Người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam”. Như vậy người nước ngoài đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc trường hợp không được không được phép sở hữu nhà ở thì sẽ được thừa kế bất động sản.
Thủ tục nhận thừa kế, từ chối thừa kế có yếu tố nước ngoài
Thủ tục nhận thừa kế có yếu tố nước ngoài
Khi được thừa kế di sản có yếu tố nước ngoài, người được thừa kế chuẩn bị hồ sơ khai nhận thừa kế gửi đến văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân nơi có di sản thừa kế.
Hồ sơ cần có những giấy tờ sau đây:
- Đơn yêu cầu công chứng
- Giấy chứng tử của bệnh viện hoặc của chính quyền địa phương xác nhận
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đăng ký xe, giấy tờ chứng minh tài sản là di sản khác (nếu có)
- Sơ đồ nhà đất, trích lục thửa đất được công chứng chứng thực
- Di chúc, hoặc văn bản phân chia di sản thừa kế giữa những người được nhận thừa kế có công chứng
- Giấy đăng ký kết hôn; sổ hộ khẩu; giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; tài liệu giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người cho thừa kế và người nhận thừa kế.
Sau khi hoàn tất hồ sơ khai nhận thừa kế, Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân nơi có di sản thừa kế sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ. Nếu hợp pháp sẽ tiến hành công chứng, chứng thực văn bản chia di sản thừa kế.
Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tài Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp việc từ chối nhận di sản này nhằm trốn tránh thừa kế nghĩa vụ của người cho thừa kế.
Việc từ chối nhận thừa kế cần phải lập thành văn bản và gửi kèm hồ sơ từ chối nhận thừa kế đến cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ từ chối nhận thừa kế tương tự như hồ sơ nhận thừa kế, kèm theo đơn từ chối nhận thừa kế gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc văn phòng công chứng.
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Bài viết trên, biên soạn bởi Công ty Luật Nguyên Khanh, đã tổng hợp các quy định pháp luật liên quan đến quy định về thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài. Nếu bạn gặp khó khăn hoặc có thắc mắc, xin vui lòng liên hệ với số Hotline để được sự tư vấn chi tiết từ luật sư chuyên về thừa kế. Xin chân thành cảm ơn!